[Advantage Logistics] Là một trong những mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực và mang lại nguồn ngoại tệ lớn, tôm Việt đã dần chinh phục được các thị trường khó tính. Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ các nước có ưu thế tôm giá rẻ hay thuận lợi từ vị trí địa lý đã khiến ngành hàng này gặp không ít bất lợi trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh thị trường tôm thế giới chứng kiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm và giá thấp nửa đầu năm nay, tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tôm của các thị trường lớn những tháng cuối năm nay là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Nhìn về nguồn cung, kể từ năm 2016, sản lượng xuất khẩu tôm nước ấm toàn cầu tăng liên tục, chủ yếu do sự tăng mạnh từ Ấn Độ và Ecuador. Năm 2022, lượng xuất khẩu tôm thế giới đạt trên 3 triệu tấn, tăng từ 1,8 triệu tấn năm 2015.
Xét về 2 thị trường có nguồn cung lớn, cũng là 2 quốc gia cạnh tranh lớn nhất của tôm Việt là Ecuador và Ấn Độ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết đã có những tín hiệu chững lại về nguồn cung trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, tại Ecuador, từ năm 2012 đến nay, xuất khẩu tôm liên tục tăng trưởng. Nếu duy trì tốc độ như nửa cuối năm 2022 thì sản lượng xuất khẩu tôm của nước này năm 2023 dự kiến đạt 1,15 triệu tấn.
Nửa đầu năm 2023, lượng tôm xuất khẩu của Ecuador tăng 19% và dự kiến tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm nay chỉ là 0%. Tốc độ đang chậm lại từ đầu năm 2022 tới nay. Nửa cuối năm nay, sẽ không có sự tăng trưởng về sản xuất mạnh mẽ như so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Ấn Độ, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm tôm chân trắng đạt 19%. Lượng tôm xuất khẩu của Ấn Độ tăng trưởng liên tục từ 2013 đến 2019 và giảm từ năm 2021, nguyên nhân có thể do dư cung.
Theo Vasep, nhập khẩu tôm giống của Ấn Độ nửa đầu năm 2023 giảm 30%, dẫn tới sản lượng tôm vụ 1 giảm nên dự báo xuất khẩu tôm sẽ giảm trong quý III năm nay, dự kiến đạt 633.000 tấn.
Một quốc gia khác cũng có khả năng giảm cung trong nửa cuối năm 2023 là Indonesia. Theo Vasep, tổng lượng xuất khẩu tôm của nước này trong nửa cuối năm 2023 dự kiến giảm 21%. Lượng tôm cả năm nay dự kiến đạt khoảng 184.000 tấn.
Việt Nam đang xuất khẩu tôm sang các thị trường chủ lực nào?
Nhập khẩu tôm của Mỹ nửa đầu năm 2023 đạt 361.692 tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù sụt giảm, nhưng một điểm tích cực đó là lượng nhập khẩu ổn định từ quý I đến quý II và lần đầu tiên kể từ quý IV/2021, nhập khẩu không giảm nhiều so với quý trước đó.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ 6 tháng đầu năm 2023 đạt 299 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 6, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 23%, mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm. Giá trị xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ trong tháng 6 đạt hơn 71 triệu USD, giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay. Kỳ vọng giá tôm thấp tại Mỹ đã tạo đáy và mức tiêu thụ tôm cho dịp cuối năm tăng.
Tại Trung Quốc, chúng ta vẫn chưa thể khai thác được nhiều bởi các mặt hàng giá rẻ từ các quốc gia cạnh tranh. Khép lại năm 2022, quốc gia này ghi nhận khối lượng nhập khẩu kỷ lục khi vượt 500.000 tấn trong nửa cuối năm. Trong nửa đầu năm 2023, sản lượng có phần thấp hơn nhưng vẫn đạt trên 500.000 tấn.
Với điều kiện kinh tế và thị trường hiện tại của Trung Quốc, lượng nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 khó có thể tăng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu nước này cố gắng đạt được khối lượng nhập khẩu trong nửa cuối năm 2022, thì lần đầu tiên nước này có thể vượt 1 triệu tấn tôm vào năm 2023. Và con số này có thể đạt được khi sản lượng nhập tháng 7 chỉ thấp hơn khá ít so với tháng 7/2022.
Trong những năm gần đây, Ecuador chi phối phần lớn tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc. Năm 2022, nguồn cung của Ecuador sang Trung Quốc đạt gần 600.000 tấn. Nếu xu hướng năm nay tiếp nối, sản lượng có thể lên tới 900.000 tấn.
Trong vài năm qua, Ấn Độ đã tăng dần xuất khẩu tôm sang Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước, nhưng trong nửa đầu năm 2023 dường như hơi chậm so với nửa đầu năm 2022. Argentina có tình hình tốt hơn khi sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm 2023 đã bằng cả năm 2022 cộng lại. Vasep dự báo, năm 2023, Argentina có thể quay trở lại mức của năm 2019-2020, và có thể trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba cho Trung Quốc trong năm nay.
Hai thị trường Việt Nam đang có ưu thế là EU và Nhật Bản. Tại EU, bên cạnh tôm đông lạnh nguyên liệu, EU còn nhập khẩu tôm giá trị gia tăng. Danh mục hàng giá trị gia tăng bao gồm tất cả các loài tôm và tất cả các sản phẩm được chế biến nhiều hơn một bước (chẳng hạn như bóc vỏ và hấp chín, hoặc bóc vỏ và tẩm bột). Khoảng 1/3 khối lượng tôm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ châu Á. Phần còn lại chủ yếu là tôm hồng phương Bắc từ các nước như Canada, Mỹ và Na Uy. Ở châu Á, Việt Nam chiếm ưu thế về nguồn cung (khoảng 60%), tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh.
Còn Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh từ các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, Argentina và Thái Lan. Thái Lan vẫn là nhà cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng lớn nhất cho Nhật Bản. Nhật có lẽ là một trong số ít phân khúc thị trường mà Thái Lan vẫn giữ vị trí quan trọng.
Thị phần giữa các nhà cung cấp của Nhật Bản tương đối ổn định, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ lâu dài của Nhật Bản, các thỏa thuận với nhà cung cấp và đôi khi là cả hoạt động liên doanh với các nhà cung cấp. Trong nhiều nhà máy có quan hệ kinh doanh đáng kể với Nhật Bản, các nhà quản lý QA người Nhật có mặt tại chỗ để đảm bảo rằng các thông số kỹ thuật của sản phẩm đáp ứng được yêu cầu. Vì những lý do này, người mua Nhật Bản không xem nhẹ việc chuyển đổi nhà cung cấp.
Về triển vọng xuất khẩu, tại Mỹ, các nhà nhập khẩu đã phải giải quyết hàng tồn kho giá cao hoặc chấp nhận thua lỗ đối với lượng hàng tồn kho đó trước khi họ có thể thay thế chúng. Các nhà bán lẻ Mỹ không bắt đầu các chương trình khuyến mãi tôm tại cửa hàng của họ. Thay vào đó, họ chấp nhận giảm doanh số bán hàng trong khi vẫn duy trì giá để đạt được tỷ suất lợi nhuận mong muốn. Điều này dẫn đến sự chênh lệch đáng kể về giá giữa giá bán buôn và giá bán lẻ.
“Mặc dù nhập khẩu có thể sẽ có xu hướng tăng lên như chúng ta thường thấy vào cuối năm. Tuy nhiên, nhập khẩu năm nay của Mỹ có thể thấp hơn một chút so với nửa đầu năm 2023 vì nhập khẩu đã giảm từ nửa cuối năm 2022” – Chuyên gia từ Vasep nhận định.
Thị trường EU, với lượng hàng tồn kho được báo cáo là thấp hơn so với ở Mỹ, nhập khẩu của EU có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, xét đến tình hình kinh tế, khó có khả năng tăng. Kỳ vọng tổng lượng nhập khẩu tôm nguyên liệu năm nay sẽ giảm khoảng 10% và ổn định ở mức khoảng 300.000 tấn.
Thị trường Nhật Bản có xu hướng tăng trưởng trái ngược với hầu hết các thị trường khác. Trong thập kỷ qua, nhập khẩu đã giảm từ 300.000 tấn xuống còn 200.000 tấn. Nếu xu hướng năm nay tiếp tục, lượng nhập khẩu có thể ổn định ở mức khoảng 180.000 tấn.
Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia chi phối nguồn cung tôm nguyên liệu đông lạnh, trong khi Thái Lan, Việt Nam và Indonesia chi phối nguồn cung các sản phẩm giá trị gia tăng.
Advantage Logistics chúng tôi có nhận làm thủ tục xuất khẩu, vận chuyển nội địa và quốc tế đối với tôm Việt Nam. Nếu Quý khách có nhu cầu, vui lòng liên hệ Mr. Quyền (SĐT/Zalo: 0909.054.866) để được tư vấn miễn phí và báo giá dịch vụ sớm nhất có thể!
doanhnhanvn.vn
>> Có thể bạn quan tâm:
>> Nhận báo giá các dịch vụ của Advantage Logistics tại đây:
>> Thông tin liên hệ của chúng tôi:
-
-
- Địa chỉ: 55-57 Nguyễn Văn Giai, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM
- Email: nicky@advantage.vn / truc@advantage.vn
- Hotline (cell/ zalo/ viber): 0909.054.866 (Mr.Quyền) / 0938.444.043 (Mr.Trực)
- Web: https://advantage.vn
-