[Advantage Logistics] Sự “hạ nhiệt” của cước vận tải biển có thể xem là tín hiệu tích cực cho bức tranh xuất khẩu nửa cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng giảm này liệu có kéo dài hay không?
Hãng tàu tăng công suất để giảm giá cước vận tải biển
Sau 2 tháng rưỡi tăng liên tục, giá cước vận tải biển đến nay đã giảm nhẹ. Nguyên nhân là do các hãng tàu đã tăng công suất và áp lực mùa cao điểm đã giảm bớt. Đặc biệt, nhu cầu của các chủ hàng từ Trung Quốc đi Mỹ đã giảm mạnh.
Theo dữ liệu được tổng hợp từ sàn giao dịch logistics Phaata, đối với tuyến vận chuyển từ châu Á đến Bắc Mỹ, hiện ở mức 7.746 USD/FEU (loại container 40 feet) tương đương giảm 2% so với tuần trước. Hiện nay, trên các tuyến đường vận tải từ Đông sang Tây đã ghi nhận mức giảm 1% đến 4% trong tuần trước.
Tuy vẫn còn ở mức rất cao, nhưng sự sụt giảm này có thể báo hiệu rằng áp lực lên giá cước đã qua mức đỉnh điểm. Khi nhu cầu giảm bớt trên các tuyến thương mại chính, công suất sẽ dần dần được chuyển trở lại các tuyến vận chuyển có khối lượng thấp hơn và giá cả cũng sẽ bắt đầu giảm xuống.
Vẫn còn nhiều tác động khó lường
Sự hạ nhiệt của cước vận tải biển có thể xem là tín hiệu tích cực cho bức tranh xuất khẩu nửa cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng giảm này liệu có kéo dài hay không? Nhiều dự báo cũng tỏ ra thận trọng với những biến động giá cước vận tải biển trong thời gian tới. Bởi vẫn còn nhiều biến số tác động đến xu hướng giá như căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ vẫn tiếp tục và nhu cầu hàng hóa vào dịp lễ hội cuối năm.
Số liệu phân tích cho thấy, sau một thời gian tăng gần như dựng đứng, giá cước vận tải biển đã chững lại. Đối với tuyến đi Bắc Mỹ, một container loại 40 feet có mức giá khoảng hơn 7700 USD, giảm khoảng 2%. Đối với các tuyến châu Á cũng ghi nhận mức giảm khoảng 2 – 4%. Các đơn vị logistics cũng nhận định, xu hướng giảm này chưa rõ rệt.
“Hiện tại tốc độ giảm là giảm nhẹ và xu hướng chưa rõ ràng liệu có giảm nữa hay không. Dự kiến tháng 7, tháng 8 có thể nó có xu thế giảm. Bắt đầu từ tháng 9 trở lên, xu thế sẽ tăng trở lại bởi đó là quý cuối cùng của năm”, bà Bùi Vân Kiều – Giám đốc Điều hành Addicon nhận định.
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics cũng đánh giá xu hướng giá giảm sẽ không kéo dài lâu. Nguyên nhân bởi cung cầu vẫn chênh lệch khá nhiều. Nguồn cung đội tàu trên toàn cầu hiện đang giảm khoảng 5% do ảnh hưởng từ tình hình chiến tranh tại Biển Đỏ.
Ông Nguyễn Hoài Chung – Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết: “Xu hướng cung cầu vẫn chênh lệch nhiều, tình hình kẹt cảng lan rộng nhiều nơi, đặc biệt châu Á, Singapore, Trung Quốc, có thể ở châu Âu, Mỹ… Kẹt cảng làm chi phí tăng, bên cạnh đó làm giảm công suất lượng tàu rất lớn trên thị trường”.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng chủ động thay đổi nhiều phương án vận chuyển để ứng phó với biến động về giá vận tải biển nửa cuối năm.
“Hiện tại chúng tôi rất là cẩn thận, kiểm tra nhiều hãng tàu để xem các lịch tàu, hãng nào đi thời gian ngắn, ít bị trì hoãn, không bị kẹt lại ở cảng nhập, cảng đến… đó là phương án ưu tiên lựa chọn trước”, ông Nguyễn Trọng Dũng – Phó Tổng giám đốc- Công ty TNHH Chế biến trái cây Yasaka cho hay.
Nhận định từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics từ nay đến cuối năm, công suất đội tàu toàn cầu còn có thể giảm từ 8 – 10% do tình hình kẹt tại các cảng lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động đàm phán với các đơn hàng cuối năm để có được thời gian và lịch trình vận chuyển tốt nhất.
Theo vtv.vn
>> Có thể bạn quan tâm:
>> Nhận báo giá các dịch vụ của Advantage Logistics tại đây:
>> Thông tin liên hệ của chúng tôi:
-
-
- Địa chỉ: 55-57 Nguyễn Văn Giai, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM
- Email: nicky@advantage.vn / truc@advantage.vn
- Hotline (cell/ zalo/ viber): 0909.054.866 (Mr.Quyền) / 0938.444.043 (Mr.Trực)
- Web: https://advantage.vn
-