Báo Cáo Tình Hình Thị Trường Logistics Của Một Số Quốc Gia

May 06 2020
Báo cáo thị trường logistic

Advantage Logistics xin chia sẻ với mọi người Báo cáo tình hình thị trường Logistics của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN. Báo cáo được tổng hợp bởi Bộ Công Thương. Mời các bạn đón đọc.

1. Tình hình thị trường Logistics Trung Quốc

Sau khi bị tác động nặng nề và gần như ngưng trệ tại nhiều địa phương trong 2 tháng đầu năm 2020 do dịch bệnh, từ tháng 3/2020, khối lượng đơn đặt hàng, việc làm, lợi nhuận đều chứng kiến sự phục hồi khi các hoạt động kinh tế thường hoạt động trở lại. Nhu cầu và triển vọng thị trường đều trong xu hướng tăng trở lại. Đây là những yếu tố góp phần giúp chỉ số hiệu suất logistics của Trung Quốc dần được cải thiện.

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc hồi phục vào tháng 3 và tháng 4/2020 nhờ các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số của các nhà quản lý mua hàng sản xuất đã tăng trở lại mức 52 điểm trong tháng 3/2020, từ 35.7 trong tháng 2/2020. Theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, sang tháng 4/2020, gần như 100% các công ty công nghiệp lớn của đất nước đã nối lại sản xuất. Như vậy khối lượng hàng hóa vận chuyển có thể sẽ tăng trở lại, tuy nhiên không thể về mức của cùng kỳ năm ngoái do tình hình dịch bệnh tại các thị trường đối tác lớn của Trung Quốc như Hoa Kỳ, EU vẫn rất căng thẳng.

Dữ liệu từ Hiệp hội Cảng và Bến cảng Trung Quốc (CPHA), sản lượng container tại các cảng lớn của Trung Quốc đã tăng trở lại từ tháng 3/2020 và tiếp tục khả quan trong tháng 4/2020. Cảng sông Vũ Hán đã khôi phục 90% công suất.

Dịch vụ vận chuyển của 39 tuyến vận tải đường cao tốc xuyên tỉnh ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc được nối lại bắt đầu từ thứ Năm (30/4/2020).

Ngành hàng không Trung Quốc chịu hiệt hại 39,82 tỷ RMB trong quý 1/2020 do dịch Covid-19 và có thể sẽ là ngành phục hồi chậm sau đại dịch do các nước sẽ vẫn thận trọng trong việc mở cửa cho du lịch.

Chiến lược hậu đại dịch Covid-19 của Trung Quốc đối với tuyến vành đai và con đường ở châu Âu có thể bao gồm việc chuyển sang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng cao cấp như cảng và sân bay. Theo đó, các nhà đầu tư có thể hợp tác với các nhà cung cấp vận tải và logistics hơn là đầu tư trực tiếp.

2. Tình hình thị trường Logistics ASEAN

Trong tháng 4/2020, tình hình dịch bệnh tại khu vực Đông Nam Á trở nên căng thẳng hơn, với số ca nhiễm tăng mạnh tại Singapore, Indonesia.

Tác động của COVID-19 đang tác động đến các nền kinh tế ASEAN cũng phụ thuộc vào sự cộng hưởng của các yếu tố rủi ro khác, như các dịch bệnh trên vật nuôi, hạn hán và các vấn đề địa chính trị cũng như khả năng phục hồi của các hoạt động logistics và của các thị trường bên ngoài.

Hầu hết các biên giới vẫn đang trong tình trạng hạn chế xuất nhập cảnh-trừ một số trường hợp ngoại lệ như mục đích nhân đạo, ngoại giao, đón công dân hồi hương…

Ngay cả khi tạm ngưng hoặc cắt giảm nhiều phương tiện vận chuyển hành khách, các quốc gia đều nỗ lực duy trì vận chuyển hàng hóa  nội địa và xuyên biên giới để đảm bảo nguồn cung, nhưng các phương tiện và người điều khiển phải tuân thủ nhiều quy tắc kiểm dịch khắt khe và mất thời gian.

Trong bối cảnh dịch bệnh, chuỗi cung ứng sản xuất tại ASEAN phụ thuộc lớn vào các kênh chuyên vận chuyển hàng hóa nội khối. Trong khi vận tải đường biển vẫn được dùy trì, một số nhà sản xuất cho biết chi phí vận chuyển nhiều hàng hóa tăng do trước đây vận chuyển bằng đường hàng không nay cũng chuyển sang vận chuyển bằng đường biển.

Ngành hàng không dân dụng trên khắp ASEAN và khu vực châu Á Thái Bình Dương đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Trên khắp khu vực ASEAN, các hãng vận chuyển, nhà cung cấp dịch vụ logistics đều đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, thậm chí có nguy cơ phá sản, đặc biệt là ngành hàng không nếu không có sự trợ giúp của Chính phủ.

Bên cạnh các tác động tiêu cực rõ nét của cuộc khủng hoảng, một số điểm tích cực đối với lĩnh vực logistics được nhìn nhận, như thúc đẩy số hóa chuỗi cung ứng, dịch vụ giao nhận, thương mại điện tử và nhận thức của các doanh nghiệp về đa dạng hóa đối tác và quản trị rủi ro.

3. Tình hình thị trường Logistics EU

Với các ngành công nghiệp chính, trong đó có sản xuất ô tô, máy móc thiết bị phụ tùng gần như đình trệ bởi đại dịch, các nhà khai thác vận tải hàng hóa tại EU đang phải chịu những tổn thất do sự suy giảm đột ngột và rất lớn ở phía cầu. Điều này đã có những tác động đặc biệt lớn đối với thị trường Đức, đồng thời tạo ra phản ứng dây chuyền trên toàn châu Âu, trong đó có các nước Trung Âu vốn tham gia khá sâu vào các chuỗi cung ứng hàng hóa có liên quan đến Tây Âu.

Thị trường vận tải hàng hóa đường bộ châu Âu có thể giảm gần 20% trong năm nay do đại dịch Covid-19. Mức giảm chủ yếu phụ thuộc vào thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và ảnh hưởng của chúng đối với nhu cầu và các giao dịch trên thị trường.

Do cuộc khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19 tạo ra, Ủy ban châu Âu có một số hướng dẫn liên quan đến việc áp dụng các quy định hải quan liên quan đến quá trình ra quyết định hải quan và thủ tục hải quan.

Hầu hết các nước EU vẫn đóng cửa biên giới đối với di chuyển hành khách (trừ các trường hợp khẩn cấp, ngoại giao, nhân đạo). Vận chuyển hàng hóa vẫn được phép duy trì nhưng thời gian và chi phí bị ảnh hưởng phần nào bởi tình trạng thiếu lao động và các biện pháp kiểm dịch.

Một số nước cho phép gia hạn các giấy tờ pháp lý đã hoặc sắp hết hạn mà không thể làm thủ tục gia hạn trong thời gian dãn cách xã hội (social distancing).

Hoạt động giao nhận được duy trì, nhưng trong nhiều trường hợp người giao hàng được yêu cầu đặt hàng tại cửa nhà và hạn chế các tiếp xúc vật lý.

4. Tình hình thị trường Logistics Hoa Kỳ 

Theo Hiệp hội Vận tải đường bộ Mỹ (ATA), khối lượng trọng tải xe tải tháng 3/2020 đã tăng so với tháng trước đó và so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng được dự báo sẽ giảm trong tháng 4/2020 do tác động của Covid-19.

Các nhà nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ chưa thông báo cho các đối tác logistics của họ về khả năng phục hồi trong khối lượng hàng vận tải đa phương thức. Nhập khẩu từ châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm qua. Theo công ty tình báo thương mại toàn cầu Panjiva, các chuyến hàng bằng đường thủy đến Hoa Kỳ trong tháng 3/2020 đã giảm 10,1%, trong đó các chuyến hàng container giảm 9,2% để đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017.

Dịch bệnh Covid-19 đang làm gián đoạn ngành công nghiệp thực phẩm, và do đó tạo ra nhu cầu mới đối với ngành công nghiệp kho lạnh của Hoa Kỳ.

Trước tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng gây ra bởi COVID-19, các giải pháp logistics mới đã ra đời và trở thành xu hướng cho thời gian tới.

>> Có thể bạn quan tâm

>> Xem thêm các dịch vụ của Advantage Logistics tại đây

[:]

Write a Reply or Comment

facebook zalo
(+84)909054866