[Advantage Logistics] Sau quả thanh long và xoài thì bưởi là loại quả tươi thứ ba của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Hàn Quốc, mở thêm cơ hội cho nông sản Việt Nam khai thác thị trường tiềm năng này.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã công bố quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Như vậy, sau quả thanh long và xoài thì bưởi là loại quả tươi thứ ba của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc, mở thêm cơ hội cho nông sản Việt Nam tiếp cận và khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
Đây là kết quả sau 2 năm nỗ lực, tích cực phối hợp, trao đổi thông tin để xúc tiến quá trình thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại và trải qua nhiều vòng đàm phán, Cục Bảo vệ thực vật và Cục Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc đã thống nhất về mặt kỹ thuật trong cuộc họp song phương vào tháng 4/2024.
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu quả bưởi tươi sang Hàn Quốc tìm hiểu về các quy định liên quan, ngày 18/7/2024 Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành Công văn số 1628/BVTV-HTQT hướng dẫn về điều kiện xuất khẩu quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Theo đó, Công văn nêu rõ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với quả bươi tươi (Citrus maxima Merr) của Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Đăng ký vùng trồng và nhà đóng gói xuất khẩu
Các vùng trồng sản xuất quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc (gọi tắt là vùng trồng xuất khẩu) phải đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật (PPD) hàng năm.
PPD sẽ quản lý và giám sát các vùng trồng xuất khẩu để đảm bảo các loài dịch hại mà phía Hàn Quốc quan tâm ở ngưỡng mật độ thấp được liệt kê trong Phụ lục 1 của Công văn này (Danh sách các loài sinh vậy gây hại được quan tâm trên quả bưởi từ Việt Nam) thông qua hoạt động giám sát và kiểm soát dịch hại.
Cán bộ PPD thực hiện giám sát tại các vườn cây xuất khẩu đối với Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella hai tuần một lần từ thời kỳ ra hoa đến khi kết thúc thu hoạch theo các tiêu chuẩn dưới đây, và các biện pháp kiểm soát được thực hiện khi 2 loài dịch hại là Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella được phát hiện trên 4% số cây được kiểm tra.
-
- Nếu các loài dịch hại là Prays Endocarpa và Citripestis sagittiferella liên tục được phát hiện với tỷ lệ nhiễm cao hơn yêu cầu cho phép hoặc nếu không phòng trừ bằng biện pháp hóa học, vùng trồng sẽ bị tạm ngưng xuất khẩu sang Hàn Quốc trong thời gian còn lại của mùa vụ. Trong đó, đối với diện tích vườn cây dưới 2 ha: 25 cây (5 cây ở 4 góc vườn cây + 5 cây ở giữa); diện tích vườn cây từ 2 ha trở lên: 50 cây (10 cây ở 4 góc vườn cây + 10 cây ở giữa).
- Người trồng phải ghi nhận các hoạt động kiểm soát dịch hại theo mẫu do PPD quy định. PPD sẽ cung cấp kết quả của hoạt động này theo yêu cầu của APQA.
- Các cơ sở đóng gói thực hiện phân loại và đóng gói quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc (sau đây gọi tắt là “nhà đóng gói xuất khẩu”) phải đăng ký với PPD hàng năm và thường xuyên được vệ sinh và kiểm tra.
- PPD phải thông báo cho APQA danh sách các vùng trồng bưởi, nhà đóng gói xuất khẩu và cơ sở xử lý hơi nước nóng đã được đăng ký trước khi bắt đầu xuất khẩu trái bưởi tươi hàng năm.
Phân loại
Quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ được phân loại và đóng gói trong cơ sở đóng gói đã đăng ký với PPD.
Khi quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc đến cơ sở đóng gói thì thùng trái cây thu hoạch phải được gắn nhãn. Nhãn phải ghi rõ quả bưởi tươi được sản xuất trong vùng trồng xuất khẩu đã đăng ký, bao gồm tên hoặc số đăng ký của vùng trồng. Cơ sở đóng gói xuất khẩu phải xác minh lại thông tin ghi trên nhãn.
Khi phân loại quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc phải đảm bảo quả bưởi được sản xuất từ vùng trồng bưởi chưa đăng ký hoặc các loại trái cây tươi khác không được phân loại cùng nhau.
PPD sẽ giám sát khi phân loại quả bưởi tươi, để đảm bảo rằng các loài sinh vật gây hại là đối tượng KDTV của Hàn Quốc như được liệt kê trong Phụ lục 1 không được phát hiện và các tác nhân gây ô nhiễm bao gồm trái cây bị nhiễm bệnh, sinh vật gây hại, đất và tàn dư thực vật được loại bỏ. Quy trình phân loại quả bưởi tươi xuất khẩu phải bao gồm rửa bằng nước và làm sạch bằng khí nén.
Xử lý hơi nước nóng
Cơ sở xử lý hơi nước nóng (gọi tắt là “VHT”) phải được đăng ký với PPD; PPD sẽ giám sát và thực hiện kiểm tra thường xuyên.
VHT sẽ được thực hiện trên mỗi lô hàng tại các cơ sở đã đăng ký với sự tham dự của cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam.
Xử lý nhiệt hơi phải được tiến hành bằng cách tăng nhiệt độ tâm quả lên đến 47°C hoặc cao hơn và thời gian xử lý trong 20 phút, hoặc bằng cách tăng nhiệt độ tâm quả lên đến 46,5°C hoặc cao hơn và thời gian xử lý trong 40 phút (độ ẩm tương đối trên 90%).
Các chi tiết khác của xử lý hơi nước nóng phải được thực hiện theo hướng dẫn từ APQA (Phụ lục 2 của Công văn này: Hướng dẫn xử lý hơi nước nóng).
Đóng gói và dán nhãn
Khu vực đóng gói quả bưởi tươi đã qua xử lý phải được trang bị vật liệu chống côn trùng và vệ sinh khử trùng thường xuyên.
Quả bưởi tươi đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu sau khi kiểm tra phải được đóng gói trong từng thùng carton bằng các phương pháp (bao gồm băng dính, nhãn dán hoặc nhãn) đã được PPD phê duyệt.
Ở bên ngoài, thùng carton đóng gói xuất khẩu hoặc pallet hàng hóa, phải được dán nhãn “Xuất khẩu đi Hàn Quốc” và “tên (hoặc số đăng ký) của vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu”.
Trong trường hợp có bất kỳ lỗ thông gió nào trên thùng carton đóng gói, hoặc hàng hóa xếp trên pallet, cần phải được phủ bằng lưới có đường kính không quá 1,6mm.
Kiểm tra trước khi thông quan
PPD sẽ gửi cho APQA thư yêu cầu cho việc kiểm tra trước khi thông quan cho cán bộ kiểm tra của Hàn Quốc, 30 ngày trước khi bắt đầu xử lý hơi nước nóng.
Thư mời phải bao gồm các thông tin: Số lượng cán bộ kiểm dịch thực vật từ Hàn Quốc và thời gian kiểm tra đề nghị; Khối lượng xuất khẩu dự kiến; Các địa điểm xử lý hơi nước nóng.
Cán bộ kiểm dịch thực vật của APQA sẽ kiểm tra quá trình xử lý hơi nước nóng và thực hiện kiểm tra xuất khẩu phối hợp với cán bộ kiểm dịch thực vật của PPD và nếu cần thiết, kiểm tra điều kiện vệ sinh của vùng trồng và nhà đóng gói xuất khẩu.
APQA sẽ tiến hành kiểm tra trước khi thông quan trong 03 năm đầu tiên sau khi tiếp cận thị trường, sau đó kết quả kiểm tra trước khi thông quan sẽ được đánh giá để xác định xem có nên tiếp tục kiểm tra trước khi thông quan hay không. Cán bộ kiểm dịch thực vật APQA ghi ngày kiểm tra xuất khẩu vào mặt sau giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và ký. Tất cả các chi phí liên quan đến việc khảo sát tại chỗ của thanh tra kiểm dịch thực vật APQA sẽ do phía Việt Nam thanh toán theo định mức chi phí đi lại ở nước ngoài của Hàn Quốc.
Kiểm tra và chứng nhận xuất khẩu
Việc kiểm tra xuất khẩu sẽ được thực hiện bởi cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam, trên 2% của tổng số thùng carton hoặc 600 quả cho mỗi lô hàng.
Các cán bộ APQA và PPD sẽ tiến hành kiểm tra cắt trái cây đối với ít nhất 50 quả cho mỗi lô hàng xuất khẩu và kiểm tra để phát hiện sự gây hại của Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella.
Trong trường hợp phát hiện bất kỳ loài sinh vật gây hại còn sống nào trong kiểm tra xuất khẩu như được liệt kê trong Phụ lục 1, các biện pháp sau đây phải được thực hiện:
-
- Nếu phát hiện ruồi sống, lô hàng sẽ bị từ chối và việc kiểm tra xuất khẩu sẽ bị đình chỉ cho đến khi xác định được nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục;
- Nếu phát hiện Prays Endocarpa và Citripestis sagittiferella, lô hàng sẽ bị từ chối và vùng trồng xuất khẩu có liên quan sẽ không được xuất khẩu sang Hàn Quốc trong thời gian còn lại của mùa;
-
- Nếu phát hiện bất kỳ loài sinh vật gây hại còn sống mà phía bạn quan tâm (được liệt kê trong Phụ lục 1) hoặc các loài gây hại kiểm dịch của Hàn Quốc ngoài Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella, lô hàng sẽ bị từ chối. Tuy nhiên, nếu các loài sinh vật gây hại này được loại bỏ thông qua các biện pháp xử lý thích hợp, lô hàng có thể được xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Đối với lô hàng đã qua kiểm tra xuất khẩu, PPD cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật bao gồm tờ khai bổ sung quy định như sau:
-
- “Lô hàng này tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu được thỏa thuận giữa APQA và PPD, và được cho là không nhiễm Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella”.
- Tên (hoặc số đăng ký) của vùng trồng và nhà đóng gói đã đăng ký; tên cơ sở xử lý nhiệt hơi, ngày, nhiệt độ và thời gian xử lý trên phần xử lý của giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
- Ngày kiểm tra và chữ ký của thanh tra kiểm dịch thực vật Hàn Quốc. Trường hợp hàng hóa trên tàu, PPD phải niêm phong container và ghi rõ số niêm phong.
- Các lô hàng đã qua kiểm tra xuất khẩu phải được quản lý tách biệt với các lô hàng bị từ chối hoặc chưa được kiểm tra để ngăn ngừa lây nhiễm chéo các loài sinh vật gây hại.
- Các lô hàng đã qua kiểm tra xuất khẩu sẽ được lưu trữ và quản lý để ngăn ngừa tái nhiễm bởi các chất gây ô nhiễm như sâu bệnh và đất, cho đến khi chúng đến Hàn Quốc.
Kiểm tra nhập khẩu
Khi lô hàng đến, cán bộ kiểm dịch thực vật APQA phải kiểm tra niêm phong và nhãn của bao bì. Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề nào với việc niêm phong và đóng gói theo quy định về Đóng gói và dán nhãn (như nêu trên) hoặc trong trường hợp có lô hàng có nhãn hoặc tờ khai bổ sung theo quy định về Đóng gói và dán nhãn và quy định đối với lô hàng đã qua kiểm tra xuất khẩu bị thiếu, toàn bộ hoặc một phần của lô hàng phải được tiêu hủy hoặc trả lại.
Trong trường hợp không phát hiện có vấn đề khi tiến hành kiểm tra quy định đối với lô hàng đến, cán bộ kiểm dịch thực vật APQA sẽ tiến hành kiểm tra nhập khẩu theo luật Bảo vệ thực vật của Hàn Quốc và các quy định có liên quan.
Trường hợp phát hiện ruồi đục quả còn sống trong quá trình kiểm tra nhập khẩu thì lô hàng bị tiêu hủy hoặc trả lại, tạm ngừng nhập khẩu trái bưởi tươi từ Việt Nam cho đến khi xác định được nguyên nhân và tiến hành các biện pháp khắc phục.
Trong trường hợp phát hiện Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella còn sống, lô hàng sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại và việc nhập khẩu trái bưởi tươi từ vùng trồng xuất khẩu có liên quan sẽ không được cho phép trong phần còn lại của mùa vụ đó.
Trường hợp phát hiện các sinh vật gây hại còn sống khác trong quá trình kiểm tra nhập khẩu thì lô hàng phải được xử lý và nếu không có phương pháp xử lý thì sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại.
Yêu cầu khác
Trong trường hợp bất kỳ dịch hại nào chưa được đánh giá bị phát hiện hoặc sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của Hàn Quốc liên tục bị phát hiện hoặc có vấn đề với việc quản lý dịch hại, APQA có thể tiến hành đánh giá rủi ro dịch hại và quyết định các biện pháp cần thiết dựa trên kết quả đánh giá.
Advantage Logistics chúng tôi nhận làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu (kiểm dịch thực vật, C/O tất cả các form, Health Certificate, Phyto,…), vận chuyển nội địa và quốc tế (đường biển, đường bộ, đường hàng không, đa phương thức), ủy thác xuất nhập khẩu và cho thuê kho lạnh đặc biệt chúng tôi có thế mạnh về làm các mặt hàng nông sản và thủy hải sản. Nếu quý khách có nhu cầu, vui lòng liên hệ Mr. Quyền (SĐT/Zalo: 0909.054.866) hoặc Mr. Trực (SĐT/Zalo: 0938.444.043) để được tư vấn miễn phí và báo giá dịch vụ sớm nhất có thể nhé!
Theo tapchicongthuong.vn
>> Có thể bạn quan tâm:
>> Nhận báo giá các dịch vụ của Advantage Logistics tại đây:
>> Thông tin liên hệ của chúng tôi:
-
-
- Địa chỉ: 55-57 Nguyễn Văn Giai, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM
- Email: nicky@advantage.vn / truc@advantage.vn
- Hotline (cell/ zalo/ viber): 0909.054.866 (Mr.Quyền) / 0938.444.043 (Mr.Trực)
- Web: https://advantage.vn
-