Doanh Nghiệp Thuỷ Sản Khép Dần Nhà Máy Vì Thiếu Công Nhân

July 27 2021
Doanh Nghiệp Thuỷ Sản Khép Dần Nhà Máy Vì Thiếu Công Nhân

Mặc dù đã xây dựng phương án “3 tại chỗ”, nhưng nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn chỉ có dưới 50% công nhân ở lại làm việc. Điều này càng gây thêm nhiều khó khăn khi đang vào cao điểm vụ thu hoạch sản xuất và xuất khẩu.

Theo bà Tạ Hà – Chuyên gia thị trường cá tra thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở TP.HCM và lan ra các tỉnh lân cận quá nhanh khiến nhiều doanh nghiệp dù đã xây dựng trước phương án để ứng phó nhưng vẫn không tránh khỏi sự lúng túng.

Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn

Chỉ 30 – 40% công nhân đi làm

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, để vừa đảm bảo sản xuất bền vững vừa có thể phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện “3 tại chỗ” trước khi có Công văn 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch tại Sóc Trăng và 18 địa phương ở khu vực phía Nam.

Công ty đã cố gắng thuyết phục công nhân và người lao động bằng nhiều cách như: cung cấp đầy đủ chỗ ăn nghỉ và đồ dùng thiết yếu, phụ cấp thêm từ 50.000 – 100.000 đồng/ngày để duy trì ổn định việc sản xuất. Nhiều doanh nghiệp không bố trí đủ chỗ nghỉ thì đành chấp nhận thuê khách sạn hoặc kí túc xá sinh viên.

Doanh nghiệp sản xuất thuỷ sản

Tuy nhiên, sau khi công ty thông báo thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) thì có đến 50% công nhân xin nghỉ việc vì lí do con nhỏ, hoàn cảnh gia đình hoặc đã tiếp xúc với những người vừa từ các vùng dịch trở về.

Các doanh nghiệp nhận định rõ, mặc dù đây là việc cần thiết buộc phải làm khi đã và đang có nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy việc thực hiện là điều không hề dễ dàng. Ông Trần Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta cho biết, thực hiện “3 tại chỗ” khiến công ty tốn kém thêm nhiều chi phí từ tiền xét nghiệm định kỳ, tiền lo ăn 3 bữa cho khoảng 1.400 nhân viên ở lại và tiền mua các vật dụng thiết yếu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ còn khoảng 30 – 40% công nhân đi làm khiến công suất hoạt động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xuất khẩu thuỷ sản

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã cắt giảm công suất chế biến do không thể sắp xếp được chỗ nghỉ ngơi cho công nhân và người lao động. Do đặc thù của ngành chế biến thủy sản nên không thể bố trí chỗ ở ngay tại nhà máy đông lạnh, thậm chí còn phải tách biệt với khu chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm. Mặt khác, phần lớn lao động của các nhà máy chế biến thủy sản là người dân địa phương nên vẫn đi về trong ngày và ít có trường hợp muốn ở lại công ty.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, tôm đang vào vụ sản xuất và bắt đầu rộ thu hoạch. Nhưng đúng vào thời điểm nước rút thì Covid-19 lại bao vây tứ phía miền Tây. Dù nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng việc vận chuyển hàng hóa vẫn gặp nhiều khó khăn và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất.

Doanh nghiệp thuỷ sản thiếu nguồn lao động

Đối mặt với nhiều khó khăn

Theo VASEP, các doanh nghiệp hội viên phản ánh, mặc dù Bộ Y tế đã gửi công văn đến UBND các tỉnh yêu cầu không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) nhưng hầu hết các tỉnh miền Tây vẫn yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Ngoài ra, lãnh đạo của một doanh nghiệp xuất khẩu tôm bức xúc phản ánh vì nhiều chuyện vô lý đang cản trở công việc. Chẳng hạn, xe chở thức ăn nuôi tôm xuống vùng nuôi bị kiểm tra tải trọng xe, hoặc xe chở đầu vỏ tôm không được qua Cần Thơ để bán cho nhà máy chế biến vì không phải xe chở hàng thiết yếu.

Doanh nghiệp thuỷ sản thực hiện "3 tại chỗ"

Nhiều nhà máy bao bì, dịch vụ, nguyên vật liệu phụ trợ cho ngành thủy sản cũng bị đóng cửa. Các doanh nghiệp thủy sản lại tiếp tục chạy khắp nơi tìm các nhà cung cấp thay thế, tuy nhiên hầu hết đều là đàm phán kéo dài thời gian giao hàng.

Chưa kể, cước vận chuyển đường biển tăng phi mã, thiếu container, thời gian thanh toán và giao hàng của nhà nhập khẩu cũng lâu hơn do cảng quốc tế bị ách tắc cũng khiến các doanh nghiệp càng chồng chất thêm nhiều khó khăn.

Công suất hoạt động của doanh nghiệp thuỷ sản trong mùa dịch

Sau khi thực hiện “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp lại tiếp tục xoay sở, cân đối tài chính, sắp xếp kế hoạch sản xuất theo thứ tự ưu tiên cho từng đối tượng khách hàng và từng đơn hàng, tận dụng tối đa nguồn hàng trong kho… Tuy nhiên, vẫn không ít khách hàng hoặc nhà nhập khẩu đòi hủy đơn hàng và bồi thường vì lí do giao hàng chậm trễ.

Điều mong mỏi của các doanh nghiệp ngay lúc này không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là công nhân và người lao động được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt để tiếp tục an tâm thực hiện hoạt động sản xuất.

Nguồn: Hải Quan Online

>> Có thể bạn quan tâm: 

>> Nhận báo giá các dịch vụ của Advantage Logistics tại đây: 

>> Thông tin liên hệ của chúng tôi:

? Địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà WMC, 102ABC Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam

? Email: nicky@advantage.vn / truc@advantage.vn

Hotline (cell/ zalo/ viber): 0909054866 (Mr.Quyền) / 0938444043 (Mr.Trực)

? Web: https://advantage.vn

[:]

Write a Reply or Comment

facebook zalo
(+84)909054866